SỨ ĐIỆP
SỨ ĐIỆP ĐỨC MẸ LAVANG
Sứ điệp Đức Mẹ LaVang của Đức Tổng Giám Mục Phanxico Xavie Nguyễn Văn Thuận gồm 10 điều sau đây:
- Bí quyết cầu nguyện
- Tinh thần ấu thơ
- Mầu nhiệm Thánh giá
- Phó thác cho Mẹ
- Phục vụ người nghèo
- Xây dựng Hội thánh
- Thánh hoá gia đình
- Đoàn kết hiệp nhất
- Loan báo tin mừng
- Chứng nhân hy vọng
Cách khác toàn Sứ điệp có thể phân thành ba phần lớn như sau: Cầu nguyện, Thánh hoá bản thân, Phục vụ xã hội và Giáo hội.
Chúng ta nghe hằng ngày, tôn giáo nào cũng dạy tín đồ mình cầu nguyện.
Vậy tầm quan trọng của cầu nguyện như thế nào mà được Đức TGM đưa lên hàng đầu trong Sứ điệp?
Chúa muốn những ai tin vào Chúa được trở nên Thánh, tức tâm hồn họ phải như trẻ thơ “Nước Thiên Chúa thuộc về những người giống trẻ thơ” (Lc 18,16).
Gia đình là tế bào của Hội thánh, nói cách khác là Hội thánh cỡ nhỏ. Ở đó sự hiện diện sinh, sống, chết và phục sinh cách mầu nhiệm trong các chi thể.
CẦU NGUYỆN
Chúng ta nghe hằng ngày, tôn giáo nào cũng dạy tín đồ mình cầu nguyện.
Vậy tầm quan trọng của cầu nguyện như thế nào mà được Đức TGM đưa lên hàng đầu trong Sứ điệp?
“Thầy là cây nho thật, Cha Thầy là người trồng nho. Hễ cành nào thuộc về Thầy mà không sinh quả, thì Cha Thầy sẽ chặt đi”
“Thầy là cây nho, chúng con là cành nho. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong kẻ ấy, thì kẻ ấy sinh quả, vì không có Thầy chúng con không thể làm gì được” (Ga 15, 1,5).
Thể hiện cho sự hợp nhất này, thì điều tiên quyết là cầu nguyện. Do đó Chúa Giêsu cầu nguyện trước khi làm một công việc gì. Nhất là những việc lớn, những việc quan trọng.
Trước khi chọn 12 tông đồ: “Người đã cầu nguyện suốt đêm cùng Thiên chúa” (Lc 6,12).
Khi quá lo buồn, Chúa dạy đừng ngủ mà hãy tỉnh thức để cầu nguyện như Người đã làm tại núi Cây Dầu: “Chúng con hãy cầu nguyện, để khỏi sa trước cám dỗ” (Lc 22,40).
Chúa Giêsu cầu chẳng những cho mình mà con cho tất cả những người biết tin vào Chúa: “Con cầu xin cho những người Cha đã giao phó cho con, vì họ thuộc về Cha” (Ga 17,9).
Chúa dạy ta cầu cho kẻ thù: “Hãy chúc phúc cho kẻ nguyền rủa anh em và hãy cầu nguyện cho các kẻ vu vạ cho anh em” (Lc 6,28), cầu cho kẻ giết mình nữa: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23,24).
Khi cầu nguyện chính thức là lúc ta tâm sự với Chúa bằng tâm tình cha con, do đó ta có thể cầu nguyện bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào: “Khi cầu nguyện hãy vào trong phòng đóng cửa lại” (Mt 6,6).
Có người nói Chúa bảo: “Anh em hãy xin, sẽ được” (Mt 7,7). Vậy mà tôi xin hoài có được đâu.
Kito hữu chúng ta quen muốn sắp đặt lề lối riêng của mình buộc Chúa phải theo, nên hay dễ dàng phàn nàn tại sao Chúa không nhậm lời chúng ta cầu xin. Chúa luôn nhậm lời cầu khẩn, nhưng vào giờ của Ngài. Chúa nói: “Nếu chúng con ở trong Thầy và chúng con tuân giữ giới răn Thầy, chúng con hãy xin mọi điều chúng con muốn và chúng con sẽ được” (Ga 15,7), “Đường lối của Ta không phải là bước đi của các ngươi”.
Hơn nữa Chúa muốn chúng ta xin với lòng tin chứ không phải xin vì lợi ích cho riêng mình: “Khi anh em cầu nguyện, đừng nhiều lời như kẻ ngoại giáo vì chúng nghĩ rằng nói nhiều thì được việc” (Mt 6,7).
Vì thế khi các tông đồ xin Chúa Giêsu dạy mình cầu nguyện thì Người bảo họ phải cầu như thế này: “Kinh lạy Cha” (Mt 6,9).
Khi cầu nguyện ta thường có thói quen là chỉ biết xin mà thôi, chúng ta phải biết tỏ ra sám hối việc mình làm và điều quan trọng nhất là cảm tạ, tôn vinh Chúa đã ban sự bình an cho mình mọi ngày, như Chúa Giêsu đã tôn vinh Chúa Cha: “Con đã tôn vinh Cha trên trái đất, con đã hoàn tất công việc Cha đã giao cho con” (Ga 17,4).
Chúa cũng cho chúng ta thấy sức mạnh của đám đông, khi hiệp nhất cầu nguyện: “Vì ở đâu có hai hay ba người hội họp nhân danh Ta, thì Ta ở giữa họ” (Mt 18,20).
Cho nên việc thành lập một Cộng đoàn cầu nguyện sẽ giúp cho đời sống Kito hữu có niềm tin kiên vững, đùm bọc yêu thương nhau trong tình bác ái, huynh đệ hơn.
THÁNH HOÁ BẢN THÂN
Chúa muốn những ai tin vào Chúa được trở nên Thánh, tức tâm hồn họ phải như trẻ thơ “Nước Thiên Chúa thuộc về những người giống trẻ thơ” (Lc 18,16).
Yêu thương không giới hạn, lắng nghe, vâng lời và không biết căm thù đó là biểu tượng tính tình của trẻ thơ. Trẻ thơ không hiểu lý thuyết gì cả nhưng nó nhìn mẹ nó, nó làm theo mẹ nó, nó tin mẹ nó biết tất cả.
Mẹ Maria đã làm gì? “Tôi là tôi tá Thiên Chúa, tôi xin vâng lời sứ thần truyền” (Lc 1,38) và “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” (Lc 1,46). (đón nhận chương trình của Thiên Chúa, đón nhận Thánh giá, đón nhận sự khám phá mới trong cuộc đời).
Nhìn Mẹ Maria, làm như Mẹ Maria, con sẽ nên Thánh vì Mẹ là hình ảnh của Giáo hội và là mẫu gương của đời sống Kito hữu.
Kito hữu ta hãy nên luôn cải thiện để nên giống Mẹ Maria. Để hiệp nhất với Chúa Giêsu, con Mẹ.
Mẹ Maria có thể hiện ra nơi đô thị, giữa những toà nhà cao trọng, trong các Vương cung Thánh đường, cho những nhân vật quan trọng. Nhưng không, Mẹ đã chọn những nơi hoang vu, núi đồi, xa vắng, với những kẻ chất phát quê mùa, nghèo đói. Vì Mẹ luôn đến với những người không ai thèm đến. Mẹ Lavang là mẹ của những người túng thiếu, tật nguyền; là Mẹ dẫn đàn con Kito hữu Việt Nam phục vụ người nghèo.
Chúa Giêsu, con Mẹ đã đến những người bệnh tật, khổ đau để chữa lành, an ủi, sát cánh với những người có cuộc sống tinh thần nghèo khổ, những người bị xã hội lên án để cứu vớt, bênh vực và giúp thoát cảnh đói nghèo.
Hãy sống Thánh thiện, thanh bần như Chúa và Mẹ Lavang. Ai nấy hãy tuỳ theo ơn mình đã được mà giúp đỡ kẻ khác.
Trong cuộc sống con người, sự đau khổ có mặt thường xuyên hơn niềm vui sướng. Đau khổ vì nghèo đói, bất hạnh vì tàn tật bị bỏ rơi, đau khổ vì loạn lạc chiến tranh, v…v… Nhưng không có cơn thử thách nào lớn lao bằng cơn thử thách của Chúa Giêsu trên Thập giá lúc hấp hối. Tâm hồn Người cảm thấy như chính Chúa Cha cũng bỏ rơi mình. Người phải thốt lên nỗi ê chề nhất: “Sao Cha bỏ con” (Mt 27,46).
Nhưng chính Thánh Giá Chúa là nguồn hy vọng của ta vì khổ nạn của Chúa gắn liền với phục sinh. Vì thế Chúa Giêsu dạy rằng: “Ai muốn đến với Ta, phải từ bỏ mình và vác thập giá mình mà theo Ta” (Mt 16,24).
Cho dù khổ đau nào đi nữa sống có Chúa bên ta, ta vẫn vượt qua được. Vì “Hết thảy những ai mệt mỏi và vất vả hãy đến với Ta, Ta sẽ nâng đỡ, an ủi. Anh em hãy mang ách của Ta và học với Ta vì Ta có lòng hiền từ và khiêm nhường. Như thế anh em sẽ được bình an trong tâm hồn. Vì ách Ta thì êm ái và gánh Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11,28).
PHỤC VỤ XÃ HỘI VÀ GIÁO HỘI
Gia đình là tế bào của Hội thánh, nói cách khác là Hội thánh cỡ nhỏ. Ở đó sự hiện diện sinh, sống, chết và phục sinh cách mầu nhiệm trong các chi thể.
Những khủng hoảng của gia đình trong xã hội hiện nay là một thách đố lớn cho mỗi người muốn góp phần xây dựng Hội thánh tại gia này. Vợ chồng ly dị, tuổi trẻ xa rời nhà thờ, trai gái thích sống chung, sống thử hơn là đi đến hôn nhân, vợ chồng thích hưởng thụ hơn là sinh con cái.
Sứ điệp mời gọi chúng ta hãy biến gia đình trở thành cái nôi chung, thành mái ấm của cầu nguyện, ở đó mọi thành phần sống trong tình yêu thương, thăng tiến và ấp ủ nhau.
Bác ai, yêu thương là linh hồn, là sự nẩy nở tình liên đới. “Người có đức bác ái thì nhẫn nại, nhân từ, không ghen tị, không khoe khoang, không kiêu kỳ, không tham lam, không tìm tư lợi, không giận dữ, không mưu mô gian ác. Không vui khi thấy sự bất công, chỉ vui khi thấy sự thật. Người có đức bác ái tha thứ mọi sự, trông cậy mọi sự, chịu đựng mọi sự” (1, Cort 13, 4-7).
Nhìn vào quá khứ thì giáo hội, xã hội Việt Nam đã qua những cơn thử thách, bách hại tâm hồn con cái Việt Nam gây hận thù chia rẽ. Nhưng Mẹ Lavang cũng đã quy tụ mọi người lương, giáo về nơi núi rừng La Vang để canh tân giáo hội, kiến tạo quê hương.
Con cái Việt Nam giờ này hãy ráng theo gương Mẹ để sống yêu thương, đoàn kết hợp nhất nhau trong Cộng đoàn yêu thương với sự hiện hữu của Chúa quan phòng như Chúa Giêsu đã cầu xin cho những ai tin vào Ngài: “Con cầu cho họ nên một…..” (Ga 17, 21-22). Thực hiện bác ái không chỉ có tiền. Ta có thể làm việc bác ái bằng nụ cười, bằng cái bắt tay, bằng sự cảm thông, sự thăm viếng, sự cầu nguyện cho nhau.
Con người được Thiên Chúa yêu thương. Đó là điều rất đơn giản mà giáo hội phải loan truyền cho mọi người. Lời nói và đời sống của mọi người Kito hữu phải là dư âm của sứ điệp này:
Thiên Chúa yêu thương con
Đức Kito đã đến vì con
Vì con mà Đức Kito trở
nên Đường, Sự Thật và Sự Sống
(Ga 14,6).
Người ta chỉ có thể tin vào sứ điệp Kito giáo một khi môn đệ Chúa Kito thực hiện đức tin của mình trong cuộc sống hằng ngày. “Vì đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết”(Gcb 2, 17).
Nhân loại ngày nay cảm thấy được làm mọi sự, nhưng không biết tại sao mình sống, mình đi về đâu? Tương lai thế nào? Nhân loại đang trãi qua một khủng hoảng hy vọng.
Thánh Phêro tuyên bố: “Đức Kito là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trong lòng anh, chị, em. Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh chị em” (1 Pr3,15).
Người công giáo phải là Ánh sáng giữa đen tối và là Muối sống giữa thối nát. Là hy vọng giữa nhân loại thất vọng.
Sống hy vọng và chia xẽ niềm hy vọng của mình cho kẻ khác. Vì đèn thắp lên không phải để lấy thúng úp lại. Ánh sáng tự bản chất là để chiếu soi cho mọi người.
TÓM LẠI
THIÊN CHÚA LÀM TẤT CẢ NHỮNG GÌ THUỘC KẾ HOẠCH YÊU THƯƠNG VÀ CỨU ĐỘ DÂN NGÀI. PHẦN CHÚNG TA, HÃY BẮT CHƯỚC MẸ MARIA, ĐỨNG DẬY, VỘI VÃ LÊN ĐƯỜNG, CHIA XẼ NGỌT BÙI, CAY ĐẮNG VỚI ANH CHỊ EM, ĐỂ HOA QUẢ CỦA CHÚA THÁNH LINH TRIỂN NỞ TRONG MỖI NGƯỜI VÀ TRONG CỘNG ĐOÀN.